Bí quyết thương lượng mức lương cao vô cùng hiệu quả
Người Việt Nam rất chính xác khi dùng cụm từ “lương bổng”. Nghĩa là ngoài “lương” (salary), bạn còn được hưởng “bổng” (benefit). Bổng là các lợi ích khác ngoài lương chính
Khi người phỏng vấn đặt câu hỏi về lương bổng, bạn nên trả lời ra sao? Đừng vội vã nói ngay mức lương mà bạn mong muốn. Hãy khéo léo “hoãn” lại giây phút quan trọng này cho các buổi phỏng vấn sau. Chỉ cần nắm vững một số “bí kíp” và thêm một chút khéo léo, bạn sẽ dễ dàng thương lượng được mức lương mơ ước.
1. Có nên trả lời câu hỏi về lương bổng ngay ở vòng đầu cuộc phỏng vấn?
Bạn không nên, đặc biệt nếu đó là các vòng phỏng vấn đầu tiên và bạn chưa chắc mình được nhà tuyển dụng “chấm”. Nếu người phỏng vấn hỏi bạn “Anh/Chị đề nghị mức lương bao nhiêu?”, bạn có thể trả lời một cách “vô thưởng vô phạt” như: “Qua vòng đầu phỏng vấn này, tôi nghĩ mình cần hiểu rõ hơn về các yêu cầu cụ thể của công việc. Tôi xin phép được đề cập đến mức lương trong các buổi phỏng vấn sau.”
2. Đâu là mức lương thỏa đáng?
Nhiều ứng viên cho rằng họ xứng đáng được hưởng mức lương cao hơn thu nhập hiện tại vì cho rằng kinh nghiệm và trình độ của họ đã được nâng cao, vì họ sẽ phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, vì tình hình vật giá ngày một leo thang… Tuy nhiên, nhà tuyển dụng thường xét lương cho ứng viên dựa theo mức lương hiện tại và trách nhiệm mới mà ứng viên sẽ đảm nhận sau này. Vì vậy bạn cần đánh giá khách quan năng lực của mình để đưa ra mức lương phù hợp.
3. Khả năng thực sự là nhân tố quyết định mức lương của bạn
Để có mức lương mong muốn, bạn cần chứng minh được giá trị và khả năng làm việc thực sự của mình. Bạn nên tránh đề cập đến mức lương cũ nếu nhà tuyển dụng không hỏi đến. Nhưng nếu nhà tuyển dụng muốn biết mức lương hiện tại, bạn hãy cho họ biết và trình bày sự khác biệt giữa công việc cũ và công việc ứng tuyển, nhấn mạnh những nhiệm vụ mới mà bạn sẽ đảm trách.
Đừng bao giờ giải thích vì sao bạn muốn lương cao hơn mức hiện tại bằng những lý do trẻ con như “Công ty tôi trước đây ở Bình Dương, chi phí sinh hoạt khá thấp. Nay Quý công ty tọa lạc ở khu vực trung tâm nên chi phí sẽ đắt đỏ hơn…”
4. Trực tiếp hỏi về mặt bằng lương trong công ty
Xin chúc mừng, bạn đã vào được vòng phỏng vấn cuối cùng và giây phút quan trọng đã đến rồi đây. Nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn “Anh/Chị đề nghị mức lương bao nhiêu?” Bạn sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?
Bạn có thể hỏi ngược lại nhà tuyển dụng “Ông/Bà có thể cho biết mức lương tương ứng dành cho vị trí tương đương?” hoặc “Ông/Bà có thể cho biết ngân sách của công ty dành cho vị trí này?” Câu trả lời của nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn định được mức lương phù hợp.
5. Khéo léo trao đổi về lương bổng
Bạn nên tránh những câu trả lời như “Đối với tôi, lương bổng không phải là vấn đề quan trọng nhất, tôi mong muốn được học hỏi và rèn luyện trong một môi trường năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp như Quý công ty…” Đây quả là câu trả lời làm “mát lòng mát dạ” nhà tuyển dụng. Nhưng cẩn thận đấy, nhà tuyển dụng có thể sẽ nghĩ rằng bạn thiếu kinh nghiệm, nên có cơ hội gì đến là nhận ngay mà không cần cân nhắc mức lương. Khi đó bạn sẽ mất cơ hội thương lượng được mức lương mong muốn.
6. Cân nhắc vấn đề “lương + bổng”
Người Việt Nam rất chính xác khi dùng cụm từ “lương bổng”. Nghĩa là ngoài “lương” (salary), bạn còn được hưởng “bổng” (benefit). Bổng là các lợi ích khác ngoài lương chính thức mà bạn được hưởng từ công ty và không phải chịu thuế. Vì vậy khi thương lượng lương, bạn nên lưu ý các ”bổng” khác ngoài lương như lương tháng 13, tiền thưởng (bonus) hàng năm, chi phí giải trí, chi phí khám bệnh, cơ hội đào tạo, được chia cổ phần của công ty… Nếu bạn được tuyển vào công ty, hãy yêu cầu nhà tuyển dụng nêu rõ và cụ thể những nội dung này trong thư mời làm việc (offer letter).
Ngoài ra, hãy nhớ rằng lương ròng (net salary) sẽ là mức lương sau khi trừ đi tất cả các khoản khác như thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn…
7. Làm gì khi bạn rất thích công việc nhưng mức lương không như mong đợi?
Trong trường hợp bạn rất thích công việc và được nhà tuyển dụng mời làm việc, nhưng mức lương không như bạn mong đợi, đừng vội từ chối ngay mà hãy trả lời rằng bạn cần suy nghĩ thêm. Điều đó cho thấy bạn rất quan tâm đến công việc. Vài ngày sau buổi phỏng vấn, bạn hãy gọi điện cho nhà tuyển dụng xem họ có quyết định nào khác về mức lương mà bạn mong muốn hay không. Khi đó, bạn có thể đưa ra quyết định cuối cùng.
Leave a Reply